Header Ads Widget

Luật 'cấm nuôi chó dữ' ở các nước khắt khe thế nào?

Tại nhiều quốc gia, một số giống chó bị cấm nuôi hoàn toàn, hoặc bị hạn chế dưới hình thức gắn vi mạch bắt buộc, xin giấy phép đặc biệt cùng các điều kiện ngặt nghèo khác.

Nhiều quốc gia trên thế giới ra luật quy định khắt khe về việc nuôi chó, đặc biệt là chó dữ, do mối nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng cộng đồng. Một số quốc gia yêu cầu lý lịch tư pháp và chứng nhận tâm lý của chủ sở hữu trên 18 tuổi.

Ở Anh, số liệu thống kê được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia năm 2021 cho thấy số người nhập viện vì bị chó cắn đã tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, khoảng 20.000 người mỗi năm, Số lượng các vụ chó tấn công nghiêm trọng ngày càng tăng. Khoảng 60 người đã chết vì bị chó dữ tấn công, giai đoạn 2005-2016.

Năm 1991, Vương quốc Anh ban hành luật cấm một số giống chó, The Dangerous Dog Act - Đạo luật loài chó nguy hiểm. Theo đó, luật cấm việc sở hữu một con chó thuộc một số giống chó được lai tạo để chiến đấu. Việc bán, nhân giống, cho tặng hoặc bỏ rơi một trong những giống chó này cũng là hành vi phạm pháp.

Pitbull là giống chó dữ bị cấm, hạn chế nuôi ở toàn lãnh thổ hoặc một số bang, của 49 quốc gia. Ảnh: Forum Daily

Pitbull là giống chó dữ bị cấm, hạn chế nuôi ở toàn lãnh thổ hoặc một số bang, của 49 quốc gia. Ảnh: Forum Daily

Luật ban đầu ra lệnh tiêu hủy bắt buộc những con chó trong danh sách giống chó bị cấm. Song Đạo luật này được sửa đổi vào năm 1997 và lệnh tiêu hủy bắt buộc có thể được miễn, nếu chú chó đó vượt qua bài kiểm tra đánh giá hành vi phức tạp.

Nếu bạn sở hữu một trong số này, cảnh sát có thể tịch thu nó từ bạn ngay cả khi nó cư xử tốt và vượt bài kiểm tra hành vi. Tội Sở hữu loài chó cấm có thể bị Anh phạt tiền không giới hạn, phạt tù sáu tháng hoặc cả hai.

Ngoài ra, chủ hoặc người chịu trách nhiệm về chó sẽ phạm tội hình sự nếu để chó "mất kiểm soát một cách nguy hiểm" ở nơi công cộng hoặc ở nơi không được phép mang theo chó. Nếu con chó làm bị thương ai đó, bất luận nó có phải loài chó bị cấm hay được phép nuôi, nó có thể bị cảnh sát tịch thu. Chủ có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc bị phạt tiền không giới hạn hoặc cả hai, tùy mức độ nghiêm trọng.

Hiện bốn giống chó bị cấm ở Anh: Pit Bull, Tosa Nhật Bản, Dogo Argentino và Fila Brasileiro.

Thụy Sĩ có 43% số hộ gia đình nuôi thú cưng. Tổ chức Bảo vệ Động vật Thụy Sĩ (SAP) ước tính rằng Thụy Sĩ là nơi sinh sống của 1,6 triệu con mèo cưng, hơn 500.000 con chó. Chó thậm chí được phép đi trên các phương tiện giao thông công cộng ở với giá vé lượt bằng một nửa của người, hoặc vé theo năm.

giá CHF 805 (20 triệu đồng).

Đất nước này không có bất kỳ trường hợp động vật nào mắc bệnh dại. Song như nhiều quốc gia châu Âu, họ cũng ghi nhận số người bị chó tấn công cao báo động, 13.000 người mỗi năm, khi dân số chỉ khoảng 8,7 triệu. 15% các nạn nhân là chủ các chú chó.

Danh sách các loài chó bị cấm nuôi phụ thuộc quy định mỗi bang, song có 5 giống chó bị cấm toàn quốc gồm: Pit Bull, American Staffordshire Terrier, Bullmastiff, Thai Ridgeback Dog và Rottweiler. Ngoài ra, bất kể con chó thuộc giống nào nhưng cao từ 56 cm tính đến vai và nặng hơn 25 kg, đều bị coi là chó nguy hiểm.

Chó thuộc danh mục cấm nhưng nuôi trước khi Đạo luật nuôi chó có hiệu lực, năm 2011, chủ được tiếp tục nuôi nhưng chính phủ cũng tạo ra nhiều ràng buộc nhất có thể để người chủ không thể lơ là vật nuôi, hoặc từ bỏ ý định nuôi chúng.

Ví dụ, chúng phải trải qua quá trình huấn luyện bắt buộc, chi phí do chủ nhân trả, kèm theo phí bảo hiểm. Và nếu đã nuôi nó, chủ không được nuôi nó kèm bất cứ thú cưng nào khác.

Nếu con chó, bất kể giống nào, gây hại cho sức khỏe, tài sản của người khác, chủ chó có thể bị phạt tù đến 10 năm và phạt tiền không giới hạn. Hành vi huấn luyện để chó hung dữ hơn, được coi là tàn ác với động vật, có thể bị phạt tù lên đến ba tháng và 20.000 CHF (520 triệu đồng).

Australia có hơn 25 triệu dân, nhưng sở hữu tới 29 triệu thú cưng, riêng chó là 6,3 triệu. Hiệp hội Vật nuôi nước này thống kê, hơn 100.000 người dân bị chó tấn công mỗi năm, tức trung bình mỗi ngày 273 vụ.

Dogo Argentino có nguồn gốc từ Argentina, là giống lai giữa Pitbull với ngao Pyrenean và Bull Terrier, có thể cao đến 65 cm và nặng đến 50 kg. Ảnh: Athletic dog

Dogo Argentino có nguồn gốc từ Argentina, là giống lai giữa Pitbull với ngao Pyrenean và Bull Terrier, có thể cao đến 65 cm và nặng đến 50 kg. Ảnh: Athletic dog

Tại đây, việc nuôi chó dữ bị ràng buộc bởi 2 luật. Đạo luật Hải quan liên bang 1901 cấm nhập khẩu 7 loại chó dữ thuộc danh sách cấm: American Pit Bull, Pit Bull Terrier, Dogo Argentino, Fila Brasileiro, Tosa Nhật Bản, Perro de Presa Canario và Presa Canario. Song lệnh chỉ cấm nhập khẩu, không cấm sở hữu chó dữ.

Còn Luật liên bang quy định, cư dân có thể sở hữu một giống chó thuộc mục cấm miễn là tuân thủ các quy định do từng tiểu bang tự đề ra. Chủ chó phải trả tiền để có giấy phép nuôi chó, và giấy phép nuôi chó dữ thường đắt hơn. Ví dụ, chủ chó thuộc 7 loại nêu trên sẽ phải có 2 giấy phép, phí gia hạn mỗi năm là 412 AUD (6 triệu đồng)

Đạo luật Động vật năm 1998 nước này phân loại chó dữ thành 3 cấp độ hung dữ tăng dần: đe dọa, nguy hiểm, và cần hạn chế. Con chó có hành vi gây hại cho người khác, được xếp loại hung hãn càng cao, chủ nhân sẽ càng phải nộp nhiều tiền phạt và án tù cũng càng cao.

Nếu con chó tấn công, quấy rối hoặc đuổi theo bất kỳ người hoặc động vật nào, dù có gây thương tích hay không, cũng bị tính là phạm tội. Hình phạt tối đa cho hành vi này là 11.000 AUD (172 triệu đồng).

Nhưng nếu con chó thuộc một trong 3 phân loại trên, tiền phạt sẽ gấp 4-7 lần, kèm phạt tù. Riêng với 7 giống chó thuộc danh mục "cấm, hạn chế" nêu trên, tiền phạt cho chủ nhân là 77.000 AUD (1,2 tỷ đồng) và 5 năm tù.

Hải Thư (Theo Brightside, Pet Traveller, Pet Helpful, Notabully)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét