Header Ads Widget

Gần 90 triệu người Mỹ vật lộn để trang trải cuộc sống

Nhiều hộ gia đình ở Mỹ chật vật thanh toán phí sinh hoạt, phải dựa vào vay nợ tín dụng để đáp ứng chi tiêu.

Một cuộc khảo sát của Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy, 38,5% hộ gia đình ở Mỹ, tương đương 89,1 triệu người, gặp khó khăn trong chi trả cuộc sống từ ngày 26/4 đến 8/5. Cơ quan này cho biết, mức độ chật vật của người dân hiện tại đã tăng hơn so với thời điểm Covid-19 kết thúc, khi hàng triệu người mất việc làm. Năm ngoái, con số này là 34,4% còn ở năm 2021 là 26,7%.

Tỷ lệ các hộ gia đình gặp khó khăn có sự khác nhau về địa lý. Người dân ở các bang có thu nhập trung bình thấp hơn như Louisiana và Mississippi đang chịu sức ép lớn nhất về tài chính. Tại một số khu vực đô thị như Los Angeles, Riverside, gần một nửa hộ gia đình đang gặp vấn đề.

Thực trạng này khiến nhiều hộ gia đình chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng. 25 triệu hộ cho biết đã sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay tiền để đáp ứng chi tiêu, tăng 2,6 triệu hộ so với năm ngoái.

Tuy nhiên, những người này có thể phải đối mặt với nỗi lo mới trong tương lai khi lãi suất trung bình với loại nợ này đã vượt quá 20%.

Trước đó, dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York) cho biết, dư nợ của hộ gia đình Mỹ đã đạt mức kỷ lục mới 17.050 tỷ USD trong quý I, tăng 148 tỷ USD so với quý IV/2022.

Cơ quan này cũng lưu ý đến việc dư nợ thẻ tín dụng không biến động, duy trì ở mức 986 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau hơn 20 năm không có sự suy giảm ở danh mục này. Theo Fed New York, thông thường, trong 3 tháng đầu năm, dư nợ thẻ tín dụng có xu hướng giảm vì đây là thời điểm sau kỳ nghỉ lễ và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, trả bớt nợ nhờ hoàn thuế.

Điều này phần nào phản ánh thực tế ngày càng nhiều người dùng thẻ tín dụng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày, theo ông Ted Rossman, nhà phân tích cấp cao tại Bankrate. Hiện nợ thẻ tín dụng đã tăng với tốc độ nhanh nhất so với bất cứ khoản nợ nào được đề cập trong báo cáo của Fed New York. Nguyên nhân của tình trạng này là lạm phát cùng mức chi tiêu gia tăng sau đại dịch cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng.

Đức Minh (theo Bloomberg, CNN)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét